Cuộc sống cá nhân Gia_Long

Ngoại hình và tính cách

Tài liệu của L.Barizy, một quan thư lại của triều đình Gia Định, và những người phương Tây cùng thời khác mô tả ngoại hình Nguyễn Ánh thời trẻ "dáng người cao trên trung bình, vóc người tầm thước, vẻ mặt đều đặn, nhẹ nhõm, rất dễ nhìn", "màu da đỏ hồng, rám nắng vì dầu dãi..." [372] Còn theo Michel Đức Chaigneau, người con trưởng của Jean-Baptiste Chaigneau và là người từng trực tiếp gặp Gia Long khi ông chừng 50 tuổi, miêu tả Gia Long về già có "thân thể cường tráng", "da trắng", "mắt sáng", "tướng đạo mạo đáng kính", "nét mặt trang nghiêm, có sắc diện", "dáng điệu rất sang trọng và tính tình hòa nhã".[373]

Quốc sử Đại Nam thời Nguyễn thì không tả về ngoại hình, chỉ đề cao về mặt tính cách của Nguyễn Ánh với những lời lẽ như sau "thông duệ túc thành", "trung thành hết mực với Duệ Tông, không bỏ chúa lúc nguy hiểm", "có lòng ham thích học hỏi", "biết chia ngọt sẻ bùi với thuộc tướng", "lúc mềm mỏng, lúc cương quyết" "ứng phó lẹ làng" với các tình thế trong cuộc sống, ông có "cả những tính cách của một chính trị gia - một võ tướng" lãnh đạo một đám quan - binh phức tạp, hỗn độn, nhiều thành phần từ tặc khấu mà ra với đủ sắc tộc (Việt, Hoa, Xiêm, Chăm, Mã Lai, Tây phương).[372] Quốc sử còn cho biết: Nguyễn Ánh có tài thiện xạ, bắn súng điểu thươngbơi rất giỏi.[374]

Sử ký Đại Nam Việt, một sách lịch sử xuất bản tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX, ghi nhận "ông (Nguyễn Ánh) làm tướng rất khôn ngoan và can đảm".[375] Quyển sử này còn viết: "Ngài khốn khó từ lúc bé, phải lưu lạc khắp nơi, chẳng mấy khi được ở yên một nơi nên chẳng kịp học hành là bao nhiêu", nhưng cũng "rất hay chữ Nho". Khi nào thấy việc gì lạ, Nguyễn Ánh liền chăm học cho hiểu. Vốn ngài "chẳng biết chữ Tây" nên phải nhờ các quan thông dịch và giảng dạy cho hiểu. Nhất là các bản vẽ hình các khí giới và những cách xây đắp thành lũy, đóng tàu và các kiến thức khác. Các sách và địa đồ đã mua từ châu Âu, thì Nguyễn Ánh "chăm học mà hiểu hầu hết".[376] Về điểm yếu, Sử ký Đại Nam Việt cũng nêu Nguyễn Ánh là một người "không được vững lòng", ví dụ như khi thắng trận ông hay mừng vui thái quá còn lúc thua ông lại dễ nản.[377] Ngoài ra, ông còn hay ép các quan thuộc cấp làm việc quá nặng nề.[377]

Georges Taboulet, một giáo viên trung học và nhà nghiên cứu nổi tiếng ở Đông Dương, trong tác phẩm "La Geste française en Indochine: histoire par les textes de la France en Indochine des origines à 1914" (Sử liệu Đông Dương thuộc Pháp: Lịch sử nước Pháp ở Đông Dương từ khi khởi nguyên tới năm 1914) viết Nguyễn Ánh là: "...gan dạ, không thô kệch, dồi dào biến trá trong mọi tình thế. Ý tưởng đúng đắn; không có khó khăn nào ngăn chặn được ông và không có chướng ngại làm có thể làm ông lùi bước... Cử chỉ của ông đối với người ngoại quốc thật dễ thương và hòa nhã. Các sĩ quan dưới quyền ông rất kính phục ông. Ông đối xử với họ rất hòa nhã, thân mật và tốt..." [378]

Giáo sĩ Lelabousse viết trong một bức thư ngày 14 tháng 4 năm 1800, Nguyễn Ánh là một người "nóng nảy", "đoản tính"; nhờ có Bá Đa Lộc khuyên ông mới bỏ được các tính đó.[374] Ngoài ra Nguyễn Ánh "cương quyết nhưng không hung tàn", "nghiêm khắc nhưng theo đúng lệ luật"; "là người trí tuệ, tò mò, ham thích và dễ học hỏi, biết ơn, bao dung và tế nhị"; "lớn lên trong tai ương, ông chịu đựng nghịch cảnh một cách can đảm".[374] Ngoài ra Lelabousse còn miêu tả lúc trẻ Nguyễn Ánh mê rượu, nhưng từ khi lên làm chúa ông bỏ hẳn, không chạm một giọt rượu vì Nguyễn Ánh cho rằng "Một kẻ không làm chủ được mình, thì làm sao có thể cai trị được người khác?" Nguyễn Ánh là người có trí tuệ với những đức tính "hăng hái", "thông tuệ", "thẳng thắng", ông còn có khả năng hiểu nhanh. Ông nhớ mọi chuyện rất tài và bắt chước mọi thứ rất dễ dàng. Ông làm việc rất cần mẫn, ban đêm đọc rất nhiều sách và ham thích tò mò tìm hiểu kiến thức một cách "chú ý, thích thú với tất cả những gì thuộc về khoa học phát minh".[379]

Tạ Chí Đại Trường đánh giá "Gia Long là một Nguyễn Ánh được tập thành trong biến cố. Tuổi trẻ, gặp gia biến quá sớm, trước một kẻ thù gần như là vô địch, bị rượt đuổi tận hang cùng ngõ hẻm, ông mang nhiều mặc cảm yếu ớt, hay than thở và bị bắt buộc mong đợi, trông cậy ở người nhiều. Nhưng tình thế giúp ông tự chủ dần dần. Việc khu trừ Đỗ Thanh Nhân là một ví dụ điển hình".[380]

Tác giả Nghia M. Vo mô tả Nguyễn Ánh là một người biết dùng người, có khả năng tụ tập được nhiều phe phái kình chống nhau; nhiều người thuộc nhiều sắc tộc.[381] Ông sẵn sàng trọng dụng người tài, bất kể sắc tộc (Nguyễn Văn Tồn, một người Khmer); hay nguồn gốc xuất thân (Lê Văn Duyệt, một thái giám).[381] Ngoài ra, Nghia M. Vo còn mô tả Nguyễn Ánh là một người làm việc chăm chỉ[382] Cụ thể, Nguyễn Ánh có một lịch làm việc thường nhật như sau: thức dậy từ 6 giờ sáng, bắt đầu gặp quan lại vào 7 giờ và phê duyệt tấu trình cũng như ra sắc chỉ; sau đó đi tới thăm các khu vực công xưởng, binh xưởng. Ăn trưa từ 12 giờ tới 1 giờ chiều, sau đó nghỉ trưa tới 5 giờ chiều. Từ 5 giờ chiều, ông làm việc chính sự tới nửa đêm rồi gặp gia đình mình khoảng một giờ trước khi đi ngủ vào khoảng 2 hay 3 giờ đêm.[382]

Về thời kỳ Gia Long, giáo sư Đại học Western Connecticut State Wynn Wilcox mô tả ông là một chính trị gia có hiểu biết, người hiểu và có thể tác động vào tính phức tạp của triều đình ngay khi ông đang hấp hối.[291] Bách khoa toàn thư Anh thì ghi nhận ông là một vị vua cẩn trọng, bảo thủ, điều đã ảnh hưởng tới các triều vua nối ngôi ông.[383] Còn nhà nghiên cứu Đông Á Joseph Buttinger thì mô tả Gia Long là một Nho sĩ nghiêm khắc.[384] Keith Weller Taylor thì nhận xét nhà vua vẫn giữ các thói quen từ thời chiến trong cung đình qua việc ông "không vội vàng nhưng rất quyết đoán" khi giải quyết chuyện chính sự.[385]

Gia Long rất chán ghét sự rối ren nơi hậu cung do các bà vợ hay đấu đá lẫn nhau. Ông từng tâm sự với một triều thần gốc Pháp là J.B. Chaigneau: “Trị nước thật dễ dàng, không khó nhọc bằng trị chốn nội cung của mình”. Ông gọi các bà vợ là “những con quỷ cái”, và: “Nếu làm đúng thì tôi phải trị tội cả bọn, vì không biết rõ trong cả bọn ấy có đứa nào không độc ác bằng mấy đứa nào!” [386]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gia_Long http://www.britannica.com/EBchecked/topic/232868 http://books.google.com/books?id=0LgSI9UQNpwC http://books.google.com/books?id=0LgSI9UQNpwC&pg=P... http://books.google.com/books?id=0Rh2BgAAQBAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=3Z3a0NU4RHMC&pg=P... http://books.google.com/books?id=6VROpoZsMzYC&pg=P... http://books.google.com/books?id=9GRD_GV0kuMC http://books.google.com/books?id=EYInAAAAQBAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=EvqKqpSCpaEC&pg=P... http://books.google.com/books?id=IrNuAAAAMAAJ